I. HÓA ĐƠN
1. Giao hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng được xuất hóa đơn điều chỉnh giảm giá bán
Công văn số 8119/CTHN-TTHT ngày 16/2/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xử lý đối với hóa đơn đã lập
– Căn cứ Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:
+ Tại khoản 2 Điều 19 quy định xử lý hóa đơn có sai sót:
“Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót
…
2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:
a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.
b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót
b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
2. Hướng dẫn của Tổng cục Thuế về việc tránh sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn
Tài liệu này tổng hợp các hành vi bị coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm giúp người nộp thuế tránh vi phạm và bị xử phạt.
Theo đó, sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp là việc sử dụng các hóa đơn, chứng từ sau:
– Hóa đơn, chứng từ giả;
– Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;
– Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;
– Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;
– Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
– Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền;
– Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.
Sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ là việc sử dụng:
– Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;
– Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;
– Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;
– Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;
– Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;
– Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.
Hình thức xử phạt đối với các hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ đã được quy định rõ tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Nguồn: LuatVietnam.NET
II. CHÍNH SÁCH THUẾ
1. Xác định thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam
Công văn số 399/XNK-THCS ngày 22/7/2024 của Bộ Công Thương về việc xác định thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, định nghĩa về “thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam” quy định tại Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 3 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP chỉ liên quan đến các quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, tức là chỉ áp dụng cho các trường hợp cần xác định quyền xuất khẩu hay quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài; không áp dụng cho các mục đích khác, kể cả trường hợp xác định hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
Nghị định số 08/2015/NĐ-CP là Nghị định hướng dẫn Luật Hải quan. Do đó, đối với vướng mắc phát sinh liên quan đến việc xác định tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP nêu trên, Bộ Công thương đã yêu cầu Tổng cục Hải quan (cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 08/2015/NĐ-CP ) căn cứ chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu quản lý, nghiên cứu, làm rõ nội hàm khái niệm “tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam” theo pháp luật hải quan để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Bộ Công Thương không có ý kiến về vướng mắc này. Nguồn: LuatVietnam.NET
2. Các lưu ý khi xác định thuế GTGT đầu vào được hoàn của hoạt động xuất khẩu
Công văn số 1506/TCT-CS ngày 18/4/2019 của Tổng cục Thuế về thuế GTGT
Tổng cục Thuế lưu ý, kể từ ngày 1/7/2016, theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP trường hợp doanh nghiệp trong tháng/quý vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ bán trong nước thì doanh nghiệp phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả tài sản cố định).
Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế GTGT tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ doanh thu) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ bán trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được xét hoàn và số thuế được hoàn tối đa không vượt quá 10% doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Nguồn:LuatVietnam.NET
III. CHO VAY
1. Cho vay lãi suất hơn 20%/năm có thể bị coi là cho vay nặng lãi
Tôi cho người thân vay tiền, có giấy viết tay cam kết thời gian trả. Người vay có hứa sẽ trả tiền lãi mỗi tháng là 5%. Đến nay họ đã trễ hạn lâu rồi và tôi cũng chưa hề nhận số tiền lãi mà họ đã hứa trước đó. Xin hỏi, tôi có bị tội là cho vay nặng lãi hay không?
Luat LS Nguyễn Thị Kim Phượng, Đoàn LS TP.HCM:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cho vay lãi nặng là hành vi cho vay với lãi suất vượt quá giới hạn pháp luật cho phép. Cụ thể, Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay như sau:
Lãi suất do các bên thỏa thuận: Nếu không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì lãi suất sẽ được xác định theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Lãi suất không được vượt quá 20%/năm: Đối với khoản vay không có bảo đảm, mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong trường hợp, nếu lãi suất 5%/tháng được thỏa thuận, tương đương với 60%/năm, thì đây là mức lãi suất vượt quá giới hạn 20%/năm mà pháp luật cho phép. Do đó, việc thỏa thuận lãi suất này có thể bị coi là cho vay lãi nặng.
Tuy nhiên, việc xác định liệu hành vi này có bị xử lý hình sự hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: số tiền lãi thu lợi bất chính, có yếu tố gian dối hay không, và các tình tiết cụ thể của vụ việc. Nếu chưa nhận được khoản lãi nào thì việc chứng minh yếu tố “thu lợi bất chính” cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Nguồn: https://plo.vn
IV. LAO ĐỘNG – VIỆC LÀM
1. Doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (phạt từ 2 – 6 triệu/người lao động, tối đa không quá 150 triệu)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Áp dụng mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
V. BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Hành vi trốn đóng BHXH là thế nào theo quy định mới?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động:
Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1.7.2025) quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp như sau:
1. Trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:
a) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc;
b) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
c) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này;
d) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
đ) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHXH bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHXH bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
e) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
g) Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định các trường hợp thuộc khoản 1 Điều này nhưng có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, từ ngày 1.7.2025, hành vi trốn đóng BHXH được quy định như trên. Nguồn: https://laodong.vn