I. HÓA ĐƠN

1. Điều chỉnh nhiều hóa đơn của cùng một khách hàng, thực hiện thế nào?

Công văn số 3543/TCT-CS ngày 13/8/2024 của Tổng cục Thuế về hóa đơn điện tử

Tổng cục Thuế lưu ý, trường hợp Công ty lập hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC để điều chỉnh/thay thế cho nhiều hóa đơn đã lập có sai sót của cùng người mua hàng thì thực hiện xử lý hóa đơn đã lập theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc lập hóa đơn điện tử điều chỉnh/thay thế như sau:

– Nếu người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế thì các bên phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán mới lập hóa đơn điện tử điều chỉnh/thay thế.

– Hóa đơn điện tử điều chỉnh/thay thế phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”/ hoặc “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

– Người bán ký số trên hóa đơn điện tử điều chỉnh/thay thế, sau đó gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã) hoặc gửi cơ quan thuế để cấp mã cho hóa đơn điện tử mới rồi gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã). Nguồn: LuatVietnam.NET

2. Các lĩnh vực bán lẻ bắt buộc lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong năm 2024

Công văn số 2637/TCT-DNNCN ngày 19/6/2024 của Tổng cục Thuế về việc đánh giá tiến độ và các công việc cần tiếp tục thực hiện triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền năm 2024

Trong năm 2024, ngành Thuế sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các ngành, lĩnh vực bán lẻ sau đây:

– Kinh doanh ăn uống, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, điểm mua sắm, bán lẻ thuốc tân dược, các cơ sở kinh doanh tại khu vực hoạt động kinh tế ban đêm.

– Kinh doanh, mua, bán vàng (vàng trang sức, mỹ nghệ).

– Kinh doanh trong lĩnh vực sân golf, cáp treo, phí đường bộ; bán vé tham quan du lịch; vận tải hành khách đường bộ; dịch vụ thẩm mỹ.

Đặc biệt, đối với các chuỗi cửa hàng có trụ sở chính tại TP. Hà Nội và TP. HCM có hoạt động kinh doanh bán lẻ quy mô lớn nhưng chưa áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (theo danh sách đính kèm), bắt buộc phải triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền hoàn thành trong quý 3 năm 2024. Nguồn: LuatVietnam.NET

II. CHÍNH SÁCH THUẾ

1. Linh kiện điện tử không được giảm 2% thuế GTGT

Công văn số 3790/TCHQ-TXNK ngày 8/8/2024 của Tổng cục Hải quan về thuế suất thuế GTGT theo Nghị định số 72/2024/NĐ-CP

Theo quy định tại Mục VI, Phần B Phụ lục III Nghị định số 72/2024/NĐ-CP, trường hợp hàng hóa là phụ tùng và linh kiện phần cứng, điện tử (bộ phận, phụ tùng của các nhóm sản phẩm phần cứng, điện tử thuộc nhóm từ Mục I đến Mục V Phần B Phụ lục này; các thiết bị bán dẫn, đèn điện tử, mạch điện tử và dây cáp điện; tụ điện; điện trở; cuộn cảm; đèn đi ốt điện tử (LED); các thiết bị bán dẫn; mạch in; mạch điện tử tích hợp; cáp đồng, cáp quang; loại khác) thì không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT, vẫn áp dụng mức thuế suất là 10%.

Mã số HS ở cột (10) Phụ lục I, cột (10) Phần A và cột (4) Phần B Phụ lục III chỉ để tra cứu. Việc xác định mã số HS đối với hàng hóa thực tế nhập khẩu thực hiện theo quy định về phân loại hàng hóa tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Hải quan. Nguồn: LuatVietnam.NET

2. Hợp tác kinh doanh với cá nhân, doanh phải nộp thay thuế

Công văn số 45796/CTHN-TTHT ngày 12/8/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh

Theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, trường hợp Công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân thì Công ty có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả kinh doanh, đồng thời phải khai, nộp thay thuế TNCN cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

Hồ sơ khai thuế thay cho cá nhân thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 40/2021/TT-BTC.

Đối với doanh thu của cá nhân trên 100 triệu đồng/năm, thuế suất thuế TNCN thực hiện theo quy định tại điểm 2, Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 40/2021/TT-BTC (là 2%). Nguồn: LuatVietnam.NET

3. Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng ngay từ năm tài chính 2024

Thư ngỏ của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Thư ngỏ này thông báo đến các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội một số quy định quan trọng về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (thuế TNDN bổ sung) tại Nghị quyết số 107/2023/QH15.

Theo đó, Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024 và áp dụng từ năm tài chính 2024 đối với đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 02 năm trong 04 năm liền kề trước năm tài chính xem xét tương đương mức 750 triệu EUR trở lên trừ một số trường hợp theo quy định.

Nghị quyết quy định 02 nội dung về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung như sau:

(i) Quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) áp dụng cho đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

(ii) Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Tại Nghị quyết nêu rõ, Tập đoàn đa quốc gia có nhiều hơn 01 đơn vị hợp thành tại Việt Nam thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, Tập đoàn đa quốc gia phải gửi văn bản thông báo chỉ định một trong những đơn vị hợp thành tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế TNDN bổ sung của Tập đoàn theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu hết thời hạn 30 ngày nêu trên, Tập đoàn đa quốc gia không có thông báo chỉ định thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải thông báo, cơ quan thuế sẽ tự chỉ định đơn vị hợp thành thực hiện việc khai nộp thuế.

Người nộp thuế phải nộp Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và Tờ khai thuế TNDN bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính. Thời hạn nộp Tờ khai và nộp thuế đối với QDMTT là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính, đối với IIR là 18 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đầu tiên tập đoàn thuộc đối tượng áp dụng và 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính tiếp theo.

Dự kiến trước ngày 31/10/2024, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 nêu trên. Vì vậy, để tránh sai sót trong quá trình khai nộp thuế liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, Cục thuế Hà Nội đã khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động thông báo tới Công ty mẹ tối cao của Tập đoàn về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam từ năm 2024, từ đó có thông tin về doanh thu trên báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ tối cao để xác định doanh nghiệp có thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết số 107 hay không? Và nếu thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết số 107 thì cần thông báo tới Công ty mẹ tối cao để xem xét chỉ định đơn vị hợp thành thực hiện việc khai nộp thuế. Nguồn: LuatVietnam.NET

III. LAO ĐỘNG – VIỆC LÀM

1. Nói xấu công ty trên mạng xã hội có bị phạt?

Nhiều nhân sự sau khi nghỉ việc thường lên các hội nhóm Facebook “Bóc phốt” công ty về môi trường làm việc, lương, thưởng… nhưng nhiều khi không có căn cứ, thậm chí tiết lộ bí mật của công ty xuất phát từ mục đích tư thù cá nhân đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín, chất lượng tuyển dụng nhân sự mới. Xin hỏi hành vi bóc phốt công ty trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?

Luat Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Mỗi công dân đều có quyền trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân của mình nhưng không không được trái quy định của pháp luật; trong đó không được tổn hại đến danh dự, uy tín cũng như lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác. Do đó hành vi “bóc phốt”, nói xấu thậm chí tiết lộ bí mật về công ty cũ sau khi nghỉ việc nếu có dấu hiệu vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022 quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi sau cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Đối với bí mật kinh doanh, việc tiết lộ là hành vi bị cấm. Trường hợp tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty thì cá nhân có thể bị xử phạt từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng (theo điểm b Khoản 1 Điều 16 Nghị định 75/2019, khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019).

Bên cạnh đó, trong trường hợp việc “bóc phốt” gây thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì người “bóc phốt” có thể bị kiện và phải bồi thường các khoản như Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường…

Đáng chú ý, nếu “bóc phốt” sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người “bóc phốt” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống…

Do đó, thay vì “bóc phốt” công ty cũ trên mạng xã hội, người lao động có thể thông báo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi có dấu hiệu tội phạm của cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền. Nguồn: https://plo.vn

2. Doanh nghiệp không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động (phạt từ 2 – 6 triệu)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính theo quy định

Áp dụng mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Các chi nhánh có phải ban hành nội quy lao động riêng?

Tổng công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu có chi nhánh ở các tỉnh, thành phố; hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi chi nhánh đều có công đoàn cơ sở riêng thì tổng công ty có thể ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh ban hành nội quy lao động của từng chi nhánh và đăng ký với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi chi nhánh đóng trụ sở được không?

Luat Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

Khoản 4 Điều 119 Bộ luật Lao động 2019 quy định về đăng ký nội quy lao động như sau: Người sử dụng lao động có các chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đề nghị tổng công ty của bà nếu có các chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì thực hiện việc gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định nêu trên. Nguồn: Chinhphu.vn

IV. BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Đi làm sớm trước 01 tháng sau khi nghỉ thai sản có phải hoàn lại tiền hưởng bảo hiểm thai sản không?

Điều 40 Luật BHXH năm 2014 quy định lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con sau khi đã nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất được 04 tháng nhưng phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định.

Pháp luật về BHXH hiện hành không quy định về thủ tục hồ sơ đối với trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con. Việc thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động không thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH. Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn

2. Người lao động nghỉ ốm, thai sản có được hưởng lương không?

Trong thời gian nghỉ ốm dài ngày, nghỉ thai sản, người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội rồi thì doanh nghiệp có thể trả lương cho họ không?

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga (Phó trưởng phòng phụ trách phòng Chế độ bảo hiểm xã hội BHXH TPHCM), nguyên tắc của chế độ ốm đau, thai sản là hỗ trợ tài chính cho người lao động trong những ngày mất thu nhập vì ốm đau, thai sản. Do đó, người lao động đã nhận chế độ ốm đau, thai sản thì không được nhận tiền lương, nhận tiền lương thì không được trợ cấp ốm đau, thai sản.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có lòng hỗ trợ tiền lương cho những ngày người lao động nghỉ ốm, nghỉ thai sản cũng được nhưng phải bằng một khoản phúc lợi nào đó chứ không thể đưa vào tiền lương.

Bà Hồng Nga nói: “Trong những ngày nghỉ ốm, thai sản thì BHXH chi trả chế độ ốm đau, thai sản. Còn phần doanh nghiệp hỗ trợ thì công ty có quyền quy định, đưa vào quy chế nội bộ của mình, điều này là có lợi cho người lao động nhưng không thể đưa vào tiền lương”. Nguồn: dantri.com.vn

 

0918 79 1968